Nhận xét Bắc hành tạp lục

Bắc hành tạp lục là một tập thơ có trên trăm bài, cho nên chỉ có thể trích lại một số nhận xét có tính cách khái quát như sau:

Nói về mảng thơ chữ Hán, trong đó có Bắc hành tạp lục, sách Ngữ văn 10 (Tập 2) có đoạn:

"Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện tư tưởng, nhân cách của ông. Các bài thơ trong Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm tuy biểu hiện một tâm trạng buồn đau, day dứt nhưng đã cho thấy rõ khuynh hướng quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về xã hội của tác giả.Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Có ba nhóm đáng chú ý: Một là ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện. Hai là phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người. Ba là cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đọa đày hắt hủi"...[9]

Nhà thơ Xuân Diệu nêu cảm nghĩ:

Bắc hành tạp lục là một tập bút ký ghi cảm tưởng dọc đường. Nhân nhìn thấy được một di tích lịch sử nào đó ở Trung Quốc, gợi nhớ đến việc trong nước, nhớ đến những người ông tiếp xúc trong chốn quan trường, thì ông hết lời xỉ mắng, là phường xu danh trục lợi chỉ "cốt cầu phú quý để vênh vang với vợ con" (Tô Tần đình), là giới quan lại "ra ngoài ngựa ngựa, xe xe". "bàn bàn tán tán, như ông Cao, ông Quỳ" cốt che đậy "nanh vuốt, nọc độc" để "nhai xé thịt người ngọt xớt như đường", trong khi đó thì nhân dân "chỉ là những gầy gò, không ai béo tốt" (Phản chiêu hồn)...Tuy vậy, nhìn chung thơ trong Bắc hành tạp lục, đa phần để lại cảm giác chung của một buổi chiều thu tê tái. Buổi chiều đó là xã hội phong kiến ở Việt Nam, ở Trung Quốc, phản ảnh trong tâm hồn Nguyễn Du. Trên con đường đi sứ, nhà thơ được thấy nhiều cảnh xưa nổi danh và đây là những dịp tức cảnh, đề vịnh, cảm hoài.Trong thơ đi sứ, phần nhiều là điếu cổ, mượn cái cổ mà nói cái kim, một cách như rút những quy luật của lịch sử làm kinh nghiệm, làm bài học. Do trên đường dài thay đổi, do ôn lại một khoảng lịch sử Trung Quốc dài mấy nghìn năm, những thơ khi đi sứ bớt cái vẻ đơn điệu của thơ ở trong nước, tuy vậy, vẫn còn một không khí trầm trầm.Nhưng Nguyễn Du là một tâm hồn nghệ sĩ lớn, nên có những cái vượt bậc đột ngột, có những cái lượng biến thành chất kỳ diệu, nghĩa là trong cái buổi chiều thu tê tái trên bỗng nhiên có sấm chớp mưa gió bão bùng, có bài Phản Chiêu hồn, căm giận trên đầu tóc dựng...[10]

Và ở bài viết[11] của GS. Nguyễn Huệ Chi về tập thơ này, có đôi điều đáng chú ý sau:

  • Mọi ba động đầy kịch tính của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 đã ập vào Nguyễn Du một cách khá đồn dập. làm cho ông choáng váng về tư tưởng, và không phải đã dễ dàng tìm ngay được một lẽ sống, một chỗ đứng nào vững vàng ổn định. Có hiểu như thế thì mới hiểu nổi vì sao trên đường đi sứ, nhà thơ mới đề cao Dự Nhượng hết lòng với chủ, vừa mới bài bác Giả Nghị không hiểu được tấm lòng cô trung "liệt nữ không thờ hai chồng" của Khuất Nguyên, thì liền sau đó ông lại đã chê trách cái thái độ thiếu sáng suốt của Phạm tăng, chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở mà không chịu hiểu rằng " mệnh trời" đã thuộc về nhà Hán.
  • Không nên lấy gì làm lạ khi thấy trong những bài thơ nói về quần chúng, sau khi đặt cái "tôi" trữ tình ra ngoài cuộc để dễ miêu tả, Nguyễn Du thường nhập chúng trở lại rồi liên hệ với bản thân mình. Như trong Thái Bình mại ca giả, dù ở cương vị một ông Chánh sứ, Nguyễn Du vẫn không ngại vạch đôi chỗ trái ngược giữa cuộc sống của ông già mù với những kẻ như mình, được tiếp đãi long trọng. Như trong bài Sở Kiến hành, trước "nỗi cực nhọc ngồi chờ chết" của mấy mẹ con người nông dân nọ, Nguyễn Du lại vẽ ra cái hình ảnh "no nê thừa mứa" của đoàn sứ bộ...
  • Các hình tượng nhân vật đối lập cứ xuất hiện theo thế song song tương phản, thành từng cặp không rời. Như hình ảnh Khuất Nguyên ôm "tấm lòng cô trung" chìm xuống đáy sông đi liền với hình ảnh một bọn người "ngựa xe vênh váo"; như cái chết oan uổng của ba nhân vật hào hiệp là Kinh Kha, Điền Quang, Phàn Ô Kỳ được đặt bên khung ảnh "vua Tần vẫn ngồi cao vòi vọi" nơi kinh đô Hàm Dương; như bên cạnh tượng Nhạc Phi có tượng Tần Cối; và nỗi oan không được cởi của nàng Dương Quý Phi bên cái hình ảnh "phỗng đứng" của cả một triều đình nhà Đường.
  • Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói, bài thơ Phản Chiêu hồn trong Bắc hành tạp ngâm, là một tiếng kêu của nguyễn Du đột ngột bật lên giữa cả một chuỗi suy nghĩ trầm trầm trong thơ chữ Hán. Đây quả là cao độ của một tiếng nấc, của một bế tắc, của một bi kịch và chưa ở đâu sự bi phẫn và đau thương dồn lên cao vút như ở bài Phản chiêu hồn.[12]